Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Kết nối giao thông, tạo đà phát triển

08:10 - Thứ Hai, 08/04/2024 Lượt xem: 5116 In bài viết

ĐBP - Khả năng kết nối nội vùng và liên vùng còn hạn chế nên đầu tư phát triển hệ thống giao thông là giải pháp then chốt tạo đà cho Điện Biên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong tháng 3/2024 tỉnh Điện Biên đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, kết nối giao thông đến tỉnh Điện Biên chủ yếu thông qua phương thức vận tải hàng không và đường bộ. Trong đó, đường hàng không mới được đầu tư xây dựng mở rộng và đưa vào khai thác trở lại cuối năm 2023 đáp ứng các tàu bay cỡ lớn như A320, A321 (trước đây chỉ khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR-72, Embraer-190 và tương đương).

Đối với đường bộ chủ yếu qua các tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 279. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Hiện các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, chủ yếu hiện trạng là đường cấp V, cấp VI miền núi, nên khả năng lưu thông còn hạn chế. Đây vẫn là nút thắt lớn, cản trở khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngày 29/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, trọng tâm là công tác đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1)... Đây là cơ sở để mạng lưới giao thông vận tải được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Sau 4 tháng hoạt động trở lại, Cảng hàng không Điện Biên đã khai thác trên 900 lượt chuyến bay cất, hạ cánh với gần 70 nghìn lượt khách.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU, hạ tầng giao thông tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với quá trình đầu tư trước đó, đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.212km đường giao thông các loại, tăng 874,4km so với năm 2020; trong đó toàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài 745km. Nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, như: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12 đoạn Mường Lay - Mường Chà; đường Si Pa Phìn - Mường Nhé.

Đặc biệt việc hoàn thành và đã đưa vào khai thác trở lại Cảng Hàng không Điện Biên vào cuối năm 2023 mang lại ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Điện Biên cũng là nơi duy nhất có cảng hàng không và được đưa vào khai thác thương mại trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Vì vậy không chỉ giúp tỉnh Điện Biên và các địa phương lân cận như Lai Châu, Sơn La phát triển du lịch mà kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mạnh về kinh tế trong thời gian tới. Việc đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, kỳ vọng đến năm 2025 sẽ giúp Điện Biên nâng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội thêm khoảng 15.000 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng và góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.

Cùng với Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) được kỳ vọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo quy hoạch đầu tư giai đoạn sau năm 2030, tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết tạo động lực phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, UBND tỉnh Điện Biên đã có tờ trình đề xuất Chính phủ đầu tư sớm hơn dự kiến. Sau khi được Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15 + 800, quốc lộ 279 thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) với tổng chiều dài tuyến khoảng 44km, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục đầu tư.

Bình đồ tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - Tây Trang.

Để đảm bảo đồng bộ quy mô dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe), Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh có văn bản thống nhất phương án tuyến (hướng tuyến, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô các tuyến đường bộ; xác định cụ thể các điểm giao cắt, hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ khác của tuyến cao tốc...) với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ, liên thông với hệ thống cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Về quy mô đầu tư đề xuất 4 làn xe, các thông số bình đồ, mặt cắt dọc, kích thước tối thiểu mặt cắt ngang… tuân thủ theo quy định. Dự án hoàn thành sẽ góp phần mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã góp phần quan trọng “mở đường” đón các nhà đầu tư. Nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào tỉnh tiếp tục gia tăng, tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước tăng khá. Theo Cục thống kê tỉnh, năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.330 tỷ đồng, tăng 14,36% so với năm 2022; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đạt hơn 9.800 tỷ đồng, chiếm 53,6%. Riêng quý I/2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 3.629 tỷ đồng (tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt hơn 1.976 tỷ đồng, tăng 3,88%. Đồng thời, đã thu hút một số tập đoàn lớn như: Danko, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup đã đến tìm hiểu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

Dự án Đường động lực sau khi hoàn thành góp phần liên kết các vùng trong tỉnh.

Để kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ, hiện đại, tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm đối với các tuyến giao thông có tính chất kết nối vùng, quốc tế. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đường bộ giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Sơn La, Lai Châu, các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Đối với dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Bắc Lào và Trung Quốc (sử dụng vốn vay WB) đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục đầu tư, làm cơ sở tổ chức thi công trong năm 2025.

Với hệ thống quốc lộ, tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp, cải tạo, xử lý điểm đen, xử lý điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Đối với phương thức vận tải đường hàng không, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không tiếp tục nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay với những đường bay hiện có. Đồng thời mở thêm các tuyến bay kết nối Điện Biên với các tỉnh, thành khác trong nước và hướng tới mở các đường bay quốc tế, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top